Khi mình ra mắt khoá học “8 bước trở thành giáo viên tiếng Việt online cho người nước ngoài” cách đây 2 tuần, có khá nhiều bạn đã nhắn tin hỏi mình “Em không giỏi tiếng Anh thì có dạy tiếng Việt được không?” hay “Chị không tự tin với tiếng Anh của mình nên vẫn chưa dám bắt đầu”. Câu trả lời của mình là:
Nếu bạn muốn thì sẽ được.
Nếu bạn nghĩ là không được thì sẽ là không được.
Vì sao vậy?
Thứ nhất, ngày xưa các thầy cô không biết ngoại ngữ vẫn có thể dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được, thậm chí là dạy rất hay.
Thứ hai, các trung tâm tiếng Anh, tiếng Nhật có các giáo viên người Mỹ, người Nhật và họ không hề giỏi tiếng Việt nhưng vẫn có thể dạy tiếng Anh hay tiếng Nhật rất tốt.
Điều này có nghĩa là nếu bạn không giỏi ngoại ngữ bạn vẫn hoàn toàn có thể dạy tiếng Việt. Còn việc dạy tốt hay không thì phụ thuộc vào chính nỗ lực của bạn.
Điều quan trọng mình muốn nhấn mạnh ở đây là đừng để điều này trở thành lí do ngáng đường bạn thử sức với công việc này nếu bên trong bạn thực sự đang muốn thử.
Tuy nhiên, nếu không giỏi ngoại ngữ, bạn cần phải giỏi những thứ khác để bù lại như phương pháp sư phạm, kiến thức về tiếng Việt, khả năng giao tiếp… Điều này bạn chỉ có thể học qua các khoá đào tạo phương pháp dạy tiếng Việt ( Review 3 khoá đào tạo phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài) và thực hành dạy càng nhiều càng tốt. Vì đây là một nghề và cần có sự đầu tư nghiêm túc ngay từ đầu nếu không bạn sẽ khó đi lâu dài được. Ngoài ra, bạn còn cần là người ham học hỏi, luôn tìm tòi các phương pháp dạy ngôn ngữ mà không sử dụng ngôn ngữ trung gian. Tóm lại là bạn cần nỗ lực rất nhiều.
Một bí quyết nhỏ là, bạn có thể thử dạy một vài mẫu ngữ pháp chỉ bằng tiếng Việt để xem học viên có thể hiểu ĐÚNG và thấy DỄ HIỂU hay không. Hãy tham khảo video của thật nhiều giáo viên và nhớ lại trải nghiệm học ngoại ngữ của chính bạn. Hoặc thậm chí có thể thử đăng ký ngay một lớp giao tiếng tiếng Anh và thị phạm từ chính giáo viên của bạn.
Bí quyết thứ hai là hãy thẳng thắn với học viên ngay từ đầu. Bạn hoàn toàn có thể nói “Tiêu chí khi dạy tiếng Việt của tôi là sử dụng 90% tiếng Việt trong lớp, nếu bạn có câu hỏi, tôi sẽ trả lời sau buổi học. Bạn có đồng ý không? Bạn có thể học thử và quyết định.”
Có một thực tế là các giáo viên giỏi mà mình biết thường là những người dùng rất ít ngoại ngữ trong lớp. Buổi đầu họ chỉ dùng ngoại ngữ khi nói câu lệnh nhưng buổi sau thì chuyển câu lệnh sang tiếng Việt. Với ngữ pháp, học viên sẽ có thể có nhiều câu hỏi. Chìa khoá là nên tận dụng sách song ngữ để học viên tự đọc và tìm hiểu về mẫu ngữ pháp đó. Trên lớp giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn học viên luyện tập theo sách và sử dụng đúng ngữ pháp.
Bí quyết để ít sử dụng ngoại ngữ trong lớp học đó là : CHUẨN BỊ GIÁO ÁN CHI TIẾT, tận dụng flash card, và nhiều tài nguyên khác để hỗ trợ.
Vậy, bạn có biết giáo viên nên sử dụng bao nhiêu % ngoại ngữ trong lớp dạy tiếng Việt?
Khi mình được đào tạo để trở thành giáo viên tiếng Việt cho chương trình Hoà Bình, con số lý tưởng họ đưa ra là: ngoại ngữ 10%, tiếng Việt 90%. Và để làm được điều này, giáo viên thực sự cần nỗ lực rất nhiều khi soạn bài. Và lợi ích to lớn mà học viên nhận được đó là được luyện nghe tiếng Việt ngay từ những buổi đầu.
Mặt khác, có rào cản gì đối với học viên khi giáo viên sử dụng 90% tiếng Việt trong lớp? Mọi thứ có thực sự suôn sẻ và tốt đẹp khi giáo viên cố gắng nói tiếng Việt với học viên khi họ chỉ mới bắt đầu học tiếng Việt?
Câu trả lời là tuỳ từng học viên.
Có người sẽ thấy tò mò, hứng thú khi nghe giáo viên nói một ngôn ngữ gì lạ tai, cứ thánh thót như chim hót.
Có người sẽ thấy căng thẳng, nản chí vì nghe mà không hiểu gì dẫn đến ức chế vì có lúc muốn hỏi mà không hỏi được.
Mỗi học viên có những tính cách khác nhau. Giáo viên nên khéo léo tìm hiểu trước hoặc quan sát học viên trong quá trình học. Nếu họ có quá nhiều câu hỏi thì có thể trả lời riêng sau buổi học. Nhưng hãy tỉnh táo vì giáo viên không cần phải trả lời tất cả các câu hỏi của học viên. Hãy bình tĩnh và học cách làm chủ lớp học của mình. Bạn sẽ học được kỹ năng này khi có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Giỏi ngoại ngữ sẽ giúp bạn chủ động hơn khi muốn trò chuyện với học viên để kết nối, thiết lập mối quan hệ thầy trò trong thời gian đầu hoặc khi bạn muốn giới thiệu về văn hoá Việt Nam. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm điều này bằng bảng khảo sát hoặc chia sẻ thông tin để học viên tự đọc thêm nếu bạn chưa tự tin để nói. Nhưng nói vậy không có nghĩa là bạn không cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Vì chắc chắn bạn sẽ gặp những tình huống mà bắt buộc phải dùng ngoại ngữ để giải thích.
Tóm lại là, không giỏi ngoại ngữ vẫn hoàn toàn có thể dạy tiếng Việt với điều kiện bạn phải thực sự nỗ lực. Trong quá trình dạy tiếng Việt, bạn có thể đặt mục tiêu trau dồi ngoại ngữ để tự tin đi lâu dài với nghề. Hãy coi nó như là một trò chơi nhỏ, hãy thử cùng phát triển khả năng ngoại ngữ với học viên của mình, bạn sẽ thấy có động lực hơn!
T.B: Nếu bạn chưa giỏi ngoại ngữ và cũng chưa bao giờ dạy tiếng Việt, có một gợi ý là thời gian đầu hãy chấp nhận việc dạy miễn phí hoặc tham gia các chương trình trao đổi ngôn ngữ để có cơ hội thực hành thật nhiều, bạn nhé!