#13 Làm sao tìm được học viên khi kinh nghiệm còn khiêm tốn?
Cùng tìm câu trả lời qua câu chuyện của một giáo viên có gần 3,700 giờ dạy với hơn 355 học viên trên Italki.
Chào bạn,
Không biết bạn đang ở giai đoạn nào trên hành trình làm giáo viên tiếng Việt? Mình đoán đa số các độc giả của bản tin The Vietnamese Ambassador là những người mới bắt đầu vào nghề. Khi mình quyết định dấn thân trở thành giáo viên tiếng Việt tự do toàn thời gian, mình đã có một nỗi sợ về việc làm sao tìm được học viên và duy trì được nguồn học viên ổn định. Mình tin là các bạn cũng có suy nghĩ này. Bản tin hôm nay sẽ là một gợi ý vô cùng hữu ích nếu bạn vẫn đang băn khoăn về việc làm thế nào để có khách hàng. Khi gõ những dòng này, mình đã ước gì lúc mới bắt đầu, mình cũng được biết những điều này!
Yay, mình đang rất hào hứng vì mới đây đã có cơ hội phỏng vấn một giáo viên có thâm niên dạy tiếng Việt từ năm 2008 và chị đã có gần 4 năm kinh nghiệm dạy online trên nền tảng Italki - chị Nguyễn Phương Thảo.
Nếu bạn chưa biết về Italki thì Italki là một website chuyên dạy ngoại ngữ online, một nền tảng giúp kết nối các giáo viên dạy ngoại ngữ với các học viên trên khắp thế giới. Bạn chỉ cần đăng ký tài khoản giáo viên và sau khi được duyệt, bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với rất nhiều học viên trên khắp thế giới.
Mời bạn tham khảo profile của chị Thảo trên Italki tại ĐÂY.
Nào, bây giờ hãy cùng bắt đầu cuộc trò chuyện với vị khách mời đầu tiên của bản tin The Vietnamese Ambassador nhé.
Châu: Chào chị Thảo. Em rất vui và biết ơn chị vì đã nhận lời tham gia phỏng vấn của bản tin The Vietnamese Ambassador. Chị có thể giới thiệu về mình một chút được không ạ?
Chị Thảo: Chào em. Chị cũng rất vui được gặp em và chia sẻ cùng độc giả của The Vietnamese Ambassador! Chị tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và tốt nghiệp thạc sỹ ngành Quản lý quốc tế, trường ĐH Bordeaux IV, Cộng Hoà Pháp. Chị đã làm 6 năm cho một số công ty, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài. Sau đó, vì muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, chị chuyển sang làm tự do. Ban đầu chị làm trong lĩnh vực du lịch rồi chuyển sang dạy tiếng Việt full time. Thực ra chị đã bắt đầu đi dạy từ năm 2008, khi vẫn còn học đại học. Khi đi làm thì chị vẫn song song với dạy tiếng Việt, sau đó thấy dạy tiếng Việt hợp với tính cách và có tiềm năng nên chị chuyển sang làm full time. Chị đã có chứng chỉ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cấp và một số chứng chỉ cho khoá học ngắn, do trường ĐH California cấp.
Châu: Thú vị quá ạ. Em cũng có khá nhiều điểm chung với câu chuyện của chị. Em đã được giới thiệu về profile của chị trên Italki và rất ấn tượng về chị. Em rất tò mò muốn biết câu chuyện làm thế nào chị đã chinh phục được hơn 355 học viên trên Italki với gần 3,700 bài học. Em đặc biệt rất thích phong cách chị chia sẻ trong video giới thiệu bản thân trên Italki. Chị Thảo có thể chia sẻ một số kinh nghiệm dạy tiếng Việt trên Italki được không ạ?
Chị Thảo: Cảm ơn em. Chị bắt đầu dạy tiếng Việt toàn thời gian từ năm 2020 và giữa năm 2020 thì chị bắt đầu dạy trên Italki. Một số kinh nghiệm của chị khi dạy trên Italki là:
Hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi học thử.
Trong buổi học này, hãy thẳng thắn chia sẻ với học viên phương pháp mà bạn dự định sẽ dùng khi dạy, sau đó hãy dạy thử khoảng 15 phút để xem phản ứng của học viên. Bí quyết là làm sao cho thật dễ hiểu và không khí lớp học thoải mái. Khá nhiều học viên chia sẻ với chị 2 lí do chính khiến họ không chọn một giáo viên đó là: dạy quá nhiều kiến thức hoặc dạy quá khó hiểu. Vậy nên, hãy tránh hai điều này.
Đừng tính học phí quá cao!
Mức giá sàn dành cho giáo viên chuyên nghiệp (Proffesional Teacher) là 10$/ buổi và giáo viên cộng đồng (Community Teacher) là 5$/buổi. Chị không đặt nặng vấn đề về học phí vì chị muốn có nhiều người có thể học tiếng Việt nên chỉ chọn mức giá sàn là 10$. Nhờ đó chị được rất nhiều học viên đăng ký lớp. Với chị thì dạy tiếng Việt thực sự là một đam mê và chị không hề đặt mục tiêu tài chính khi làm nghề. Mình cứ làm vì mình thích trước, không chạy theo tiền và sau đó thì tiền tự đến. Thu nhập bình quân mỗi tháng hiện tại của chị trên Italki là 1,000$. Một ngày có khi chị dạy 9, 10 lớp trên Italki. Nếu bạn nào chưa có kinh nghiệm thì chị nghĩ nên chọn mức phí thấp nhất (mức sàn) để bắt đầu. Chị biết có giáo viên chọn mức học phí cao (17$, hay 20$) nhưng rating của họ chỉ là 4.5 nên các bạn hãy thực sự cân nhắc.
Châu: Học viên trên Italki thường để lại Testimonial sau khi học. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể bị đánh giá không tốt. Vậy làm thế nào để phòng tránh điều này ạ?
Chị Thảo: Chị nghĩ là “thái độ thì hơn trình độ”. Nếu bạn thẳng thắng chia sẻ về kinh nghiệm của mình và bạn dạy một cách tử tế và nhiệt tình thì chị tin là hiếm có ai để lại nhận xét không tốt về bạn. Ngoài ra, lúc mới bắt đầu, đừng chọn mức phí cao quá.
Châu: Em tin là khi biết được điều này, nhiều bạn sẽ gỡ bỏ được nỗi sợ vô hình khiến họ chưa dám bắt đầu. Thế điều gì chị thích về Italki ạ?
Chị Thảo: Ngoài việc giúp mình kết nối không giới hạn đến các học viên thì đó là chính sách bảo vệ quyền lợi cho giáo viên. Có một số học viên sau khi học thì đề nghị học riêng với chị và không thông qua Italki nhưng chị không chọn cách đó vì có thể gặp rủi ro là học viên sẽ đòi nghỉ học và không học nghiêm túc. Italki có nhiều chính sách để bảo vệ quyền lợi cho cả giáo viên và học viên nên chị vẫn ưu tiên dạy trên nền tảng.
Châu: Em được biết chị có thể nói được 6 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hungary, tiếng Thái. Động lực nào khiến chị có thể học nhiều ngôn ngữ như vậy ạ?
Chị Thảo: Thực ra thì chị rất thích học ngoại ngữ. Khi học ngoại ngữ thì không chỉ là học ngôn ngữ mà mình còn học thêm về văn hoá của một đất nước. Và khi mình học được một ngôn ngữ thì mình hiểu được là vì sao học viên này học không được hay vì sao họ thấy tiếng Việt khó quá. Ví dụ như tiếng Hungary là 1 trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới mà học viên học được thì tiếng Việt họ cũng có thể học được. Vả lại, khi học ngoại ngữ mình cũng không cần học giỏi quá, mình chỉ cần biết cơ bản về ngôn ngữ đó, từ đó hiểu được những khó khăn của học viên khi họ học tiếng Việt. Ví dụ như người Nhật thì không phân biệt được âm V và B, còn người Trung Quốc thì không phân biệt được âm G và C. Biết những lỗi mà họ thường gặp cũng sẽ giúp ích khi mình dạy tiếng Việt.
Châu: Chị đã gặp khó khăn gì trong quá trình dạy tiếng Việt và chị đã vượt qua như thế nào?
Chị Thảo: Có rất nhiều khó khăn trong đó với chị khó nhất có lẽ là dạy phát âm. Phát âm đặc biệt rất khó với những người đến từ Châu Âu vì họ không sử dụng ngôn ngữ có dấu. Và khi gặp những trường hợp đó mình làm như thế nào? Ví dụ mình có thể hỏi họ có biết chơi nhạc hay biết hát không và đưa ra giải thích sao cho họ thấy dễ hiểu nhất. Ví dụ mình hát “Đồ Rê Mi Fa Sol La Si Đô”, âm Đồ thì hơi giống thanh huyền, âm Sol hay La thì có thể giống thanh ngang. Mình nên tìm những gì gần gũi với họ và liên hệ so sánh để họ thấy dễ hiểu hơn.
Châu: Điều gì chị thích nhất khi dạy tiếng Việt?
Chị Thảo: Điều đầu tiên chị thích khi dạy tiếng Việt đó là khi chị thấy người nước ngoài có niềm đam mê với tiếng Việt thì chị cảm thấy rất là vui. Khi mình còn nhỏ thì thấy chẳng có ai thích học tiếng Việt cả. Nhưng khi có rất nhiều người có đam mê học tiếng Việt, muốn tìm hiểu về văn hoá và lịch sử của Việt Nam thì mình cảm thấy rất là vui và yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hơn. Thêm một điều nữa là chị có thể giới thiệu văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, giúp họ biết thêm về ẩm thực, du lịch, đất nước và con người Việt Nam.
Châu: Chị có lời khuyên gì cho những người mới bắt đầu dạy tiếng Việt không ạ?
Chị Thảo: Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy đăng ký nhiều nền tảng khác nhau để tăng cơ hội có thêm học viên. Hãy kiên nhẫn và thật kiên nhẫn vì thời gian đầu, bạn chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều học viên, chưa có thu nhập. Trong quá trình đó, hãy không ngừng học tập, chuẩn bị thật nhiều tài liệu, đọc thật nhiều thông tin để trau dồi kiến thức về văn hoá, chính trị, lịch sử của Việt Nam và tranh thủ học thêm ngoại ngữ. Hãy trang bị kiến thức thật vững vàng.
Châu: Cảm ơn chị rất nhiều vì buổi trò chuyện thật thú vị. Chúc chị thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục đưa tiếng Việt và văn hoá Việt đi xa hơn nữa. Em tin rằng những chia sẻ của chị rất hữu ích cho những ai đang dạy tiếng Việt, đặc biệt là những bạn mới vào nghề.
Bạn có thể tham khảo thêm profile của chị Nguyễn Phương Thảo trên Italki, đặc biệt là những testimonial mà học viên đã dành cho chị ấy. Đó là những tip cực kỳ hữu ích để bạn có thể học hỏi. Một gợi ý cho bạn là, hãy tưởng tượng mình đang là giáo viên tiếng Việt, và hình dung về một hoặc vài testimonial mà bạn sẽ nhận được từ học viên của mình. Hãy viết điều đó xuống, thật cụ thể và rõ ràng và dán nó ở nơi mà bạn nhìn thấy mỗi ngày. Mình tin rằng bạn sẽ sớm có những học viên đầu tiên!
Ngoài Italki, bạn cũng có thể tìm hiểu các nền tảng khác như Amazingtalker, Verbling, Tutoroo, Preply nhé.
Có câu “Khi học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.” Và qua lời khuyên của chị Thảo, mình nghĩ có thể đổi thành “Khi người thầy đã sẵn sàng, học trò sẽ xuất hiện”.
Chúc bạn có thêm tự tin trong hành trình đầy thú vị này nhé!
n